Kỳ thi tuyển sinh năm 2018 sắp diễn ra, để định hướng nghề nghiệp cho bản thân cũng khiến các bạn học sinh phải đau đầu. Một trong những ngành nghề Hót hiện nay phải kể đến công nghệ thông tin. Vậy, học Công nghệ thông tin sau khi ra trường sẽ làm gì?
Để giúp các bạn định hướng và hình dung được cụ thể hơn về ngành nghề mình dự định theo đuổi khi vào Đại học, 24h.com.vn đã tìm đến những chuyên gia, thầy giáo, cán bộ tư vấn tuyển sinh… từ các trường Đại học uy tín để phỏng vấn. Với những câu hỏi cũng chính là thắc mắc từ học sinh, phụ huynh hiện nay cùng sự tư vấn tận tình, chúng tôi tin loạt bài này sẽ rất hữu ích đối với các bạn đang đứng trước kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Những tố chất cần thiết của sinh viên để theo học ngành CNTT?
“Điều quan trọng nhất theo tôi là các bạn trẻ cần có đam mê và niềm yêu thích đối với công nghệ. Ngoài ra, các bạn giỏi về các môn khoa học tự nhiên, có tư duy logic, thích tìm tòi sáng tạo, làm nên cái mới sẽ là ứng viên vô cùng phù hợp với ngành học này.Thêm nữa, chọn học ngành công nghệ thông tin, các bạn trẻ phải có một vốn ngoại ngữ nhất định.” Đó chính là nhận định của anh Vũ Chí Thành Trưởng ban Tuyển sinh và Công tác sinh viên của Đại Học FPT về ngành Công nghệ thông tin hiện nay.
Có một số ngành học sẽ “hot” trong một thời gian nhất định, nhưng ngành CNTT vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt hơn thập kỉ qua, vì sao?
Điều khiến CNTT chưa bao giờ giảm nhiệt vì ngành này đang là xu hướng phát triển của tương lai. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cần công nghệ và những sản phẩm công nghệ cao. Dù là lĩnh vực nào đi nữa, dù là ngân hàng, hay hàng không, viễn thông, an ninh quốc phòng, tiêu dùng, giải trí… tất cả đều cần đến các ứng dụng CNTT. Có thể nói CNTT chính là hạ tầng của mọi hạ tầng.
Chính vì thế, nhu cầu nhân lực cho ngành này sẽ vẫn tiếp tục tăng cao. Theo định hướng quy hoạch quốc gia đến năm 2020 Việt Nam cần khoảng 1.000.000 lao động thuộc lĩnh vực này. Những điều đó lý giải vì sao CNTT vẫn luôn hot. Đúng là nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT là rất lớn. Hầu hết các sinh viên ra trường đều có được việc làm. Tuy nhiên, theo những cuộc trò chuyện của tôi với các doanh nghiệp, các ứng viên mà họ lựa chọn bên cạnh kiến thức chuyên môn, cần phải giỏi ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Vì trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập như hiện nay, hai tiêu chí này vô cùng quan trọng, giúp các cử nhân CNTT nắm bắt được cơ hội, dễ dàng thích nghi và toả sáng hơn.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, nhân lực trong lĩnh vực IT mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam cần đến 1 triệu lao động hoạt động. Song song đó, một sự ưu ái khác của thị trường lao động đối với ngành này là thực tế các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã minh chứng, nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong những ngành ít chịu sự tác động nhất.
Do đó, khó có thể khẳng định cứ học CNTT là ra trường có việc làm lương cao. Nhưng chúng ta có thể khẳng định, những cử nhân CNTT giỏi ngoại ngữ, được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết chắc chắn sẽ nắm bắt được những cơ hội việc làm toàn cầu sau khi ra trường.